Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Nhận biết viêm cầu thận mạn tính

(suckhoedoisong.vn) - Bệnh viêm cầu thận mạn là một bệnh có tổn thương cầu thận, tiến triển từ từ, kéo dài nhiều năm. Viêm cầu thận mạn tính sẽ có nguy cơ biến chứng suy thận gây hậu quả xấu cho người bệnh, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức lao động và cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận mạn tính. Tuy vậy, có một số trường hợp không rõ nguyên nhân. Hay gặp nhất là viêm cầu thận mạn thứ phát sau bệnh lý cầu thận như bệnh cầu thận do Collagenose (luput ban đỏ hệ thống), đây là một bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ (95%). Hoặc sự tổn thương cầu thận do bệnh lý mạch máu bởi sự viêm mạch máu nhỏ ở nhiều cơ quan, trong đó chủ yếu là phổi và thận. Bệnh viêm cầu thận mạn tính cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân mắc chứng xuất huyết dạng thấp (bệnh Scholein-Henoch). Trong một số rối loạn chuyển hóa cũng có thể gây biến chứng viêm cầu thận mạn như bệnh đái tháo đường.

Người mắc bệnh do virut viêm gan b, C cũng có thể để lại viêm cầu thận mạn, tuy nhiên, tỷ lệ thấp. Viêm cầu thận mạn cũng có thể là hậu quả của viêm cầu thận cấp do viêm màng trong tim bởi vi khuẩn liên cầu nhóm D hoặc viêm họng bởi vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes). Người ta cũng đã gặp các trường hợp viêm cầu thận mạn tính mà hậu quả là do bị bệnh sốt rét hoặc mắc bệnh giang mai do vi khuẩn Treponema palildum hoặc bệnh phong bởi vi khuẩn Mycobacterrium leprae. Ngoài ra, viêm cầu thận mạn tính cũng có thể do mắc các bệnh ác tính như bệnh bạch cầu cấp, bệnh bạch cầu mạn tính, Sarcoma hạch hoặc bị ngộ độc bởi một số kim loại nặng như nhiễm độc muối vàng.

Nhận biết viêm cầu thận mạn tính 1Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Biểu hiện bệnh đa dạng

Khi viêm cầu thận cấp diễn ra trên 3 tháng không khỏi do không được điều trị hoặc điều trị không tích cực, gián đoạn thì sẽ chuyển sang giai đoạn viêm cầu thận mạn tính. Các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ suy thận hoặc có thể chưa suy thận. Các chức năng của thận bắt đầu suy giảm một cách từ từ, vì vậy, triệu chứng của bệnh rất đa dạng, đôi khi do tình cờ xét nghiệm nước tiểu qua khám bệnh vì một lý do nào đó mà thấy có protein và hồng cầu niệu còn các triệu chứng khác rất kín đáo không xuất hiện. Hầu hết các trường hợp viêm cầu thận mạn thì có da và niêm mạc nhợt nhạt, ngứa, phù. Phù là một triệu chứng điển hình của viêm cầu thận mạn.

Giai đoạn đầu của bệnh có thể phù kín đáo, chưa ảnh hưởng gì đến sức khỏe, vì vậy, người bệnh vẫn lao động, làm việc, ăn ngủ, sinh hoạt bình thường, thậm chí không biết mình bị phù. Nếu bệnh bắt đầu nặng thì phù rất rõ như phù mặt, dưới da quanh mắt cá trước xương chày, vùng cùng cụt, dưới da đầu mà ngay người bệnh cũng cảm nhận và thấy được. Đặc điểm là phù mềm, ấn lõm trên một nền cứng như ở mắt cá chân. Khi bệnh nặng thì phù có thể là biểu hiện dưới dạng cổ trướng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tinh hoàn. Đa số các trường hợp là ăn kém do chán ăn, đau cơ, nhức xương, buồn nôn hoặc nôn (tăng urê máu).

Nhận biết viêm cầu thận mạn tính 2

Diễn biến nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

Dấu hiệu quan trọng nhất của viêm cầu thận mạn tính là tăng huyết áp, đái ra protein và hồng cầu liên tục, kéo dài. Bệnh thường diễn biến thành từng đợt và các triệu chứng đái máu, protein, tăng huyết áp dần lên theo năm tháng. Để xác định viêm cầu thận mạn tính thì cần khám lâm sàng và làm các công việc cận lâm sàng như xét nghiệm nước tiểu để xác định protein, hồng cầu, trụ niệu, trụ hạt. Với protein niệu trong 24 giờ gần như thường xuyên dương tính và dao động trong khoảng 0,5 - 3g/ngày. Khi protein niệu dương tính nhiều thường gặp khi lấy nước tiểu lúc sáng sớm mới ngủ dậy. Nếu xét nghiệm nước tiểu kế tiếp sau đó thì có thể protein là âm tính hoặc lúc có lúc không.

Vì vậy, khi protein niệu âm tính thì bắt buộc phải xét nghiệm protein niệu trong 24 giờ (kỹ thuật định lượng). Số lượng protein niệu ít có giá trị về tiên lượng của bệnh nhưng rất có ý nghĩa về chẩn đoán và là chỉ tiêu đánh giá kết quả điều trị. Viêm cầu thận mạn tính thường có hồng cầu trong nước tiểu chiếm tỷ lệ từ 60 - 80% các trường hợp. Và khi thấy có hồng cầu trong nước tiểu chứng tỏ bệnh đang tiến triển xấu. Viêm cầu thận mạn tính cũng có thể xuất hiện trụ niệu và trụ hạt trong nước tiểu khi xét nghiệm sẽ xác định được. Siêu âm có thể thấy sự bất thường một hoặc cả hai thận (teo nhỏ). Tuy vậy, nếu chụp thận có chất cản quang (UIV) thì thấy đài và bể thận vẫn bình thường.

Trong trường hợp thật cần thiết thì có thể sinh thiết thận. Viêm cầu thận mạn tính sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, do đó, người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu... Khi bị nhiễm khuẩn thì lại càng làm cho bệnh viêm cầu thận mãn nặng thêm và tạo thành đợt viêm cầu thận cấp trên nền viêm cầu thận mãn như phù nhiều hơn, tăng huyết áp nhiều hơn, tiểu ra máu và protein nhiều hơn. Bệnh tiến triển sau nhiều năm (có thể đến vài chục năm) sẽ dẫn đến suy thận giai đoạn cuối làm cho huyết áp, urê máu, protein niệu và creatinin máu tăng cao. Khi đã có hội chứng thận hư thì tiên lượng rất xấu cho người bệnh.

Phòng bệnh viêm cầu thận mạn tính

Khi đã mắc bệnh viêm cầu thận cấp hoặc các bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hóa cần tích cực điều trị theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là xét nghiệm nước tiểu, creatinin máu, urê máu, siêu âm thận và thường xuyên kiểm tra huyết áp. Cần cho bác sĩ khám bệnh biết về bệnh viêm cầu thận của mình để tránh dùng các thuốc có ảnh hưởng đến chức năng thận như các loại kháng sinh nhóm aminoglycoside (gentamycine, streptomycine…) hoặc các loại thuốc kháng viêm không thuộc loại corticoides. Nên ăn nhạt, giảm lượng protein theo hướng dẫn của bác sĩ.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu hiệu nhận biết rối loạn tiền đình ngoại biên

Rối loạn tiền đình là bệnh dễ gặp ở mọi lứa tuổi. Trong rối loạn tiền đình có hai loại là: rối loạn tiền đình trung tâm và rối loạn tiền đìn...